Bánh ít

Bánh ít hay bánh ích là một loại bánh phổ biến ở Việt Nam, được làm từ bột nếp và đậu xanh với phương pháp hấp cách thủy. Nếu như bánh ở miền Bắc có hình vuông, ở miền Trung có hình trụ dài thì ở miền Nam bánh lại có hình tháp. Nhân bánh được xào chín trước khi gói cẩn thận bằng lá chuối tươi hoặc khô và có thể có nhiều hình dáng khác nhau tùy theo cách gói của người làm bánh. Bánh được sử dụng phổ biến để đồ cúng trong những ngày Giỗ, Tết hay làm quà quê.

Đặc điểm

Nguyên liệu chính làm tạo nên hương vị bánh gồm đường, đậu xanh, bột nếp và lá gai. Nguyên liệu phụ là dừa già, đậu phộng rang, dầu ăn. Gạo nếp và lá gai xay nhuyễn trộn lại và đánh đều lên cùng với đường tạo thành phần thịt bánh. Nhân bánh có thể được làm từ đậu xanh, đậu đen hay cơm dừa nạo nấu chín với đường. Bánh được gói bằng lá chuối tươi (Miền Trung) hoặc lá chuối khô (Miền Bắc).

Ngoài ra còn có Bánh ít dừa được làm từ bột năng (bột sắn tinh), đậu xanh, đường và dừa già (Gần giống với bánh phu thê ở Bình Định nhưng cách gói khác nhau). Bánh trong suốt có thể nhìn thấy được nhân bánh. Bánh được làm đòi hỏi sự công phu nhiều hơn các loại bánh ít khác.

Kích thước trung bình không lớn, bánh không béo, nhưng đây là một loại bánh có năng lượng cao, do được làm từ bột nếp và lượng dầu mỡ khá nhiều sử dụng khi nhào bột, xào nhân. Bánh ít nhân ngọt có thêm năng lượng từ đường, bánh ít nhân mặn năng lượng thường cao hơn do được ăn thêm với mỡ hành, nước mắm…

Trung bình mỗi cái bánh ít cung cấp trên dưới 150 kcal, trong đó có khoảng 40% năng lượng từ đường chất béo. Dù năng lượng cao, nhưng thành phần vitamin, chất khoáng, chất xơ của bánh lại không nhiều, không đủ những chất cần cho quá trình chuyển hóa nguồn năng lượng đó.

Lý giải về tên gọi

Có rất nhiều cách lý giải khác nhau về tên bánh. Theo tích xưa, người con gái út của vua Hùng Vương thứ 6 đã làm ra loại bánh mới để dâng lên vua cha trong dịp Tết đầu năm. Chiếc bánh là một sự kết hợp độc đáo giữa hình thức gói của bánh chưng và nguyên liệu của bánh dầy, tên “bánh ít” là dân gian quen gọi thân mật thứ bánh do nàng Út làm ra.

Cách lý giải thứ hai là dựa vào tục lễ hồi dâu của các cặp vợ chồng mới cưới ở Bình Định, chiếc bánh do tự tay cô dâu làm ra là món quà “của ít lòng nhiều” thể hiện tấm lòng hiếu thảo của cô gái để cúng tổ tiên và biếu cha mẹ.

Cũng có người giải thích rằng loại bánh này có nhiều “biến thể”: loại gói lá, loại để trần, nặn cao, nặn dẹt, loại trắng, xanh, đen, loại nhân dừa, nhân đậu… nên khi làm bánh, người ta thường làm mỗi thứ một ít cho có thứ nọ thứ kia, đủ vẻ đủ hình, do đó mà thành bánh ít.

Nhận xét

Bánh ít là loại bánh đơn sơ, mộc mạc được làm từ gạo nếp, thường chọn loại nếp mới, thơm, độ dẻo vừa. Người ta cũng có thể thay thế nếp bằng bột khoai mì, bột củ năng…khẩu vị có khác hơn nhưng càng làm cho bánh thêm phong phú và đa dạng.

Làm bánh ít không khó, nhưng đòi hỏi phải có sự khéo léo, nhìn chiếc bánh người ta có thể biết được độ ngon của bánh và kỹ thuật gói. Bánh ít ngon là bánh dẻo nhưng không dính răng, cắn một miếng đầu lưỡi sẽ thấy ngay vị ngọt của đường, vị thơm của nếp, vị béo của dừa hoặc vị bùi của đậu và mùi thơm của lá chuối, tất cả hòa quyện tạo một cảm giác khoái khẩu và rất đặc sắc.

Trải qua nhiều thời đại, cùng với sự phát triển của nền văn hoá ẩm thực Việt Nam, bánh ít đã đi vào đời sống nhân dân và trở thành một nghề truyền thống, một nét đẹp văn hóa cần lưu truyền và gìn giữ.